Tóm tắt nội dung vụ án
Theo thông tin đăng tải trên báo Tuổi Trẻ Online ngày 29/4/2025, kết quả điều tra ban đầu của Công an tỉnh Thanh Hóa cho thấy một đường dây chuyên sản xuất, buôn bán thuốc giả đã lợi dụng thói quen của người dân tự mua thuốc không kê đơn, sự thiếu hiểu biết về nguồn gốc và chất lượng dược phẩm để tiêu thụ thuốc giả trên phạm vi rộng.
Cầm đầu đường dây này là N.T.Đ. (trú tại Hà Nội) và T.D.G. (trú tại TP.HCM), những người đã đầu tư dây chuyền máy móc, nguyên liệu không rõ nguồn gốc để chế biến, đóng gói và phân phối thuốc giả. Thay vì làm giả các nhãn thuốc có sẵn, nhóm này tự đặt tên thuốc, tạo lập các "công ty ma" ở nước ngoài (Hong Kong, Malaysia, Singapore) để đánh lừa người tiêu dùng và tạo niềm tin giả tạo.
Hoạt động sản xuất thuốc giả diễn ra tại những khu vực hẻo lánh, ít người qua lại ở Hà Nội, TP.HCM và TP Long Xuyên (An Giang). Công nhân chủ yếu là người quen, được tổ chức sinh hoạt khép kín nhằm tránh bị phát hiện. Thuốc sau khi sản xuất được phân phối thông qua mạng xã hội như Zalo, Facebook, dưới danh nghĩa nhân viên dược sĩ bán hàng giá rẻ từ các nguồn "đấu thầu nội bộ" hoặc “bán phá doanh số”, không hóa đơn, không rõ xuất xứ.
Hiểu đúng về khái niệm “hàng giả”
Vụ án trên là minh chứng rõ ràng cho loại hàng giả trong lĩnh vực y tế, cụ thể là thuốc giả. Khái niệm về hàng giả được quy định cụ thể tại khoản 7 Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ, như sau:
- Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
- Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
- Thuốc giả theo quy định tại khoản 33 Điều 2 của Luật Dược năm 2016 và dược liệu giả theo quy định tại khoản 34 Điều 2 của Luật Dược năm 2016;
- Thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; không có đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa; có ít nhất một trong các hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng;
- Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
- Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.
Thuốc giả không chỉ là vấn đề vi phạm pháp luật, mà còn là mối đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của người tiêu dùng. Điều nguy hiểm nhất nằm ở chỗ: chúng không dễ bị phát hiện nếu chỉ nhìn từ hình thức bên ngoài. Bao bì đẹp, mẫu mã bắt mắt, quảng cáo hấp dẫn... đều có thể là những “chiếc bẫy” nếu người tiêu dùng quá tin tưởng vào thông tin không kiểm chứng trên mạng xã hội hoặc những lời rao “giá rẻ, hàng đấu thầu, bán phá giá”. Đặc biệt, người cao tuổi, người mắc bệnh mãn tính hoặc có tâm lý tiết kiệm chi phí điều trị là nhóm dễ trở thành nạn nhân của các đường dây buôn bán thuốc giả. Sử dụng thuốc giả có thể khiến bệnh không thuyên giảm, thậm chí nặng hơn do không có hoạt chất, hoặc gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm vì thành phần không rõ nguồn gốc.