Tôi từng làm thực tập sinh pháp lý ở một văn phòng luật nhỏ nằm bên kia cầu, nơi mà những con đường ngoằn ngoèo và tiếng rao chiều dường như hiểu lòng người hơn cả. Có hôm, tôi theo luật sư đến làm việc tại một trại tạm giam, nơi giữ những người mà xã hội thường chỉ nhìn thấy qua những dòng cáo trạng, bản án tuyên. Trong lúc chờ đợi, tôi bắt gặp một cuộc đối thoại giữa một người đàn ông trung niên và một nữ cán bộ trại. Ông nói nhỏ, giọng đều đều như thể đã quen với việc không được ai lắng nghe: "Tôi đâu biết công ty mình lại bán hàng lậu. Tôi chỉ ký thôi mà…".
Câu nói ấy theo tôi mãi trên đường về, tuy có những việc tưởng chừng như nhỏ bé và lầm tưởng là không ảnh hưởng, nhưng lại là mảnh ghép cuối cùng của một vụ án hình sự khiến cả doanh nghiệp bị truy cứu trách nhiệm. Tôi về kể chuyện đó cho đồng nghiệp nghe. Người đồng nghiệp điềm tĩnh trả lời: "Ngày xưa, người ta hay nói làm ăn thì phải biết lời, biết lỗ, nhưng thời buổi bây giờ phải thêm biết luật". Tôi gật đầu đồng ý, bởi lẽ, pháp nhân cũng có thể mang tội.
Pháp nhân thương mại, suy cho cùng, không phải là một thực thể vô hình. Nó được tạo nên bởi những con người, những bàn tay ký tên, những ánh mắt lướt nhanh qua điều khoản hợp đồng mà không một lần dừng lại hỏi: “Chúng ta có đang làm đúng không?”. Và khi pháp nhân đó gây hại như bán hàng cấm, xả thải ra môi trường, làm giả giấy tờ thì cái gọi là "trách nhiệm hình sự" không còn là thứ dành riêng cho cá nhân nữa.
Ngày trước, người ta thường nghĩ người phạm tội là một ai đó có tên, có mặt, có giọng nói. Nhưng rồi pháp luật buộc phải thay đổi để theo kịp thực tế: rằng nhiều tổn thương trong xã hội lại được tạo ra bởi những tổ chức lớn mạnh, mang dáng vẻ hợp pháp, nhưng hành xử vô trách nhiệm. Pháp luật, với sự công minh của mình, không thể chỉ đứng nhìn và nói “chỉ người làm sai mới chịu trách nhiệm”. Vì nếu là vậy, những người nắm quyền lực trong doanh nghiệp chỉ cần đứng sau cánh cửa niêm phong, để mặc cho hậu quả lan ra ngoài như làn khói hại, rồi rũ bỏ bằng vài câu chối tội. Công lý không thể mỏng manh như thế.
Tôi từng nghĩ hình phạt là kết thúc, nhưng rồi khi làm việc đủ lâu với pháp luật, tôi nhận ra hình phạt không phải là bản án cuối cùng, mà là cách xã hội dừng lại để hỏi “Chúng ta đang cho phép điều gì tồn tại?”. Pháp nhân thương mại bị xử lý hình sự, đó không phải là sự trừng phạt cho một cái tên trên giấy, mà là lời nhắc nhở rằng những con người điều hành doanh nghiệp đó cũng phải có lương tri, cũng phải chịu trách nhiệm.